Sign In

Chuyển đổi số ngành Luật: Hiệu quả từ những ứng dụng thực tiễn

Công cuộc chuyển đổi số đang làm thay đổi cơ bản cách vận hành, quản lý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong ngành luật. Bên cạnh hiệu quả và những lợi ích vượt trội thì cũng còn tồn tại những thách thức mà công nghệ đang tác động tới ngành.

Những cơ hội mà chuyển đổi số đem lại
Ra đời từ năm 2005 dưới dạng một ứng dụng, từng bước phát triển và trở thành một “luật sư robot” đầu tiên trên thế giới, DonotPay mặc dù chưa nhận được sự thừa nhận của bất kỳ chính phủ nào để được “hành nghề luật”, tuy nhiên cũng đã trở thành một hiện tượng mà những người làm nghề luật ở khắp nơi trên thế giới cùng soi chiếu vào, cho thấy hiệu quả của công nghệ và số hóa có thể tác động như thế nào đối với ngành luật.

Tại Việt Nam, là một phần quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, ngành luật cũng đã đi tắt đón đầu xu hướng này từ cách đây khá lâu và đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Việc số hóa được áp dụng từ ngay trong khâu nghiên cứu, giảng dạy luật trong các nhà trường cho tới khâu ứng dụng trong công tác hành nghề, từ các đoàn luật sư tới cơ quan tư pháp. Các ứng dụng chuyển đổi số cũng được triển khai trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để giúp người dân tiếp cận hiệu quả, nhanh chóng, chính xác với các chủ trương, chính sách pháp luật mà Nhà nước đề ra.

chuyen doi so nganh luat hieu qua tu nhung ung dung thuc tien hinh anh 1

Chuyển đổi số giúp công tác quản lý, điều hành và thực hiện các thủ tục trợ giúp pháp lý của đoàn luật sư TP. Hà Nội trên môi trường trực tuyến được dễ dàng, thuận lợi

Trong các trường học, các giảng viên, sinh viên đã có thể truy cập vào các cơ sở dữ liệu trực tuyến của ngành để tiếp cận các tài liệu pháp lý, luật, pháp luật cũng như các công trình nghiên cứu, xác minh hiệu lực pháp luật của các văn bản quy phạm pháp luật… từ đó có thể xác định được những văn bản đã hết hiệu lực, chồng chéo, mâu thuẫn hoặc còn thiếu sót một các đơn giản, tốn ít thời gian hơn so với thông thường. Sinh viên cũng có cơ hội được cọ sát với nghề thông qua những tình huống pháp lý mô phỏng, các phiên tòa giả định, phiên tòa trực tuyến…. từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và trình độ đầu ra của những người hành nghề luật trong tương lai.

Với các nhà xây dựng luật, các công cụ số hóa cũng giúp phát hiện ra các lỗ hổng pháp lý, các vấn đề không còn đúng với điều kiện thực tế, từ đó có những đề xuất mới phù hợp hơn, thiết thực hơn… Với những người trực tiếp hành nghề luật như luật sư, các công cụ số cũng giúp xử lý, phân tích dữ liệu về các vụ án, đặc biệt với các vụ việc phức tạp, đồng thời tra cứu các văn bản pháp luật có liên quan tới nhiều lĩnh vực… để phục vụ cho công việc mình. Số hóa giúp việc thu thập tài liệu, chứng cứ và xác minh tính chân thực của tài liệu, chữ ký và các bằng chứng số một cách hiệu quả, đồng thời giúp cho công tác vận hành của các cá nhân, tổ chức trong ngành trở nên trơn tru, thuận lợi hơn,

Có thể nói, với một ngành nghề đặc thù luôn phải xử lý một lượng lớn dữ liệu cùng một lúc như ngành luật, công cụ số không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc mà ngày càng không thể thiếu trong hoạt động thực tiễn.

Hiệu quả từ thực tiễn và những thách thức mới
Chuyển đổi số sớm và chuyển đổi thành công, Đoàn luật sư Hà Nội (Đoàn) đang là một trong những điển hình được nhiều tổ chức, cá nhân hành nghề luật noi theo. Việc chuyển đổi số của Đoàn được triển khai từ đầu năm 2022, chia làm 3 giai đoạn, tính đến nay dù mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 nhưng đã thay đổi cơ bản cách vận hành, quản lý của cả hệ thống. Với việc triển khai đào tạo vận hành chạy thử toàn bộ tài liệu cho 200 luật sư và 30 tổ chức hành nghề luật sư với 19 phần mềm quản lý điển hình như phần mềm không gian làm việc số, quản lý hồ sơ tập sự, hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề luật, thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề, hồ sơ kết nạp, gia nhập đoàn, thẻ luật sư, phần mềm quản lý quỹ thường niên của Đoàn và nhiều phần mềm khác hỗ trợ cho hoạt động hành nghề luật sư, tổ chức quản lý hành nghề luật sư,… các hoạt động vận hành của Đoàn đã từng bước được đưa lên môi trường số một cách hiệu quả.

Công tác số hóa cũng tạo thuận tiện không nhỏ cho các thành viên của Đoàn, từ việc nộp phí thành viên thường niên cho tới tổ chức các khóa đào tạo, họp trực tuyến mà vẫn đảm bảo được chất lượng, quản lý chính xác thành viên tham dự,… Chị Phạm Mai Hồng – Công ty TNHH Luật Tâm Vàng, đoàn luật sư Hà Nội chia sẻ, chuyển đổi số giúp chị tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi cần phải thực hiện các thủ tục hành chính tại Đoàn. Số hóa giúp hệ thống của đoàn lưu trữ tốt thông tin về các cá nhân và của đơn vị, chỉ cần khai báo với cán bộ tại quầy hỗ trợ, các thủ tục còn lại đều diễn ra trên máy, rất nhanh và chính xác.

Theo đại diện đoàn luật sư Hà Nội, chuyển đổi số đã làm thay đổi mô hình làm việc từ thủ công sang làm việc trên hệ thống quản lý số. Việc sử dụng các công cụ số cũng giúp theo dõi, cập nhật những thay đổi trên hệ thống, từ đó tạo ra sự linh hoạt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí và đảm bảo công khai minh bạch hơn so với cách làm cũ trước đây.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã ứng dụng thành công các công cụ số hóa để tạo ra hiệu quả vượt trội. Nếu như trước đây, việc phổ biến giáo dục pháp luật ở huyện Cư M’gar chủ yếu là tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, lồng ghép trong các hội nghị, tập huấn… thì hiện nay đã được triển khai một cách linh hoạt trên môi trường số, từ việc xây dựng các website tuyên truyền tới việc phát triển các nền tảng trực tuyến, tổ chức thi online về kiến thức pháp luật, tạo các fanpage để cung cấp, hướng dẫn pháp luật cho người dân… vừa thuận tiện, nhanh chóng, ít tốn kém, tiết kiệm được sức người mà hiệu quả lại tăng vượt trội.

Người dân trước kia phải lặn lội từ nhà đến tận trụ sở cơ quan nhà nước để có được thông tin thì hiện nay, muốn tìm hiểu về luật, quy định cụ thể liên quan đến đời sống, đến quyền và trách nhiệm của bản thân cũng  như gia đình như cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xuất khẩu lao động… đều có thể truy cập vào cổng thông tin điện tử của huyện tại địa chỉ www.cumgar.daklak.gov.vn để có được thông tin mới nhất, chính xác nhất và tin cậy nhất.

chuyen doi so nganh luat hieu qua tu nhung ung dung thuc tien hinh anh 2

Các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật thường xuyên được tổ chức giúp người dân có cơ hội tìm hiểu về luật thuộc những vấn đề liên quan tới đời sống thường ngày - Ảnh: Báo Đăk Lắk

Mô hình của Cư M’gar cũng đã được triển khai tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới người dân, Sở Tư pháp Tỉnh cũng thường xuyên đăng tải tin tức, bài viết, tài liệu về các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trên Trang thông tin điện tử https://pbgdpl.daklak.gov.vn và Zalo OA “PBGDPL tỉnh Đắk Lắk”. Thông qua các video, clip, file âm thanh về các tình huống pháp luật được phổ biến qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook, youtube); các nội dung được truyền tải dưới dạng infographic... giúp cho người dân dễ hiểu, dễ tiếp nhận và làm theo. Đặc biệt, việc tổ chức khảo sát đánh giá hiệu quả tác động của công tác phổ biến giáo dục pháp luật bằng hình thức trực tuyến thay cho hình thức khảo sát trực tiếp đã giúp việc khảo sát nhanh chóng, thuận tiện, tiếp cận được đông đảo đối tượng, tiết kiệm chi phí, thời gian thực hiện.

Bên cạnh những thuận lợi, những hiệu quả vượt trội mà chuyển đổi số mang lại thì thực tế cũng tồn tại không ít thách thức đối với ngành trong thời gian qua. Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, của dữ liệu lớn cùng các nguy cơ mất an toàn an ninh mạng buộc những người hoạt động trong lĩnh vực phải liên tục cập nhật, thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế.

Các chuyên gia, các nhà làm luật trong cả nước đa phần đều đồng thuận rằng, chuyển đổi số làm xuất hiện những vấn đề pháp lý mới và đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong cách thức hoạt động của ngành luật. Để sẵn sàng và rộng đường cho các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, hàng lang pháp lý là rất cần thiết. Theo GS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Chưa bao giờ xuất hiện nhiều tình huống pháp lý mới chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi phát triển tư duy pháp lý linh hoạt và sáng tạo để đưa ra các giải pháp phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức nghề luật”. 

Chuyển đổi số là cơ hội nhưng cũng là thử thách. Việc nắm bắt cơ hội vừa vượt qua thử thách không chỉ là bài toán của riêng ngành luật mà còn đối với mọi ngành, mọi nghề, mọi lĩnh vực trong xã hội số để có thể tồn tại và phát triển.

CTV Huệ Linh/VOV.VN

tn

Tag: