Sign In

Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội

Những năm qua, huyện Sông Mã đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về chuyển đổi số; triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số trên các lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số huyện, tổ giúp việc, ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập 19 tổ chuyển đổi số cấp xã, 317 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp bản.

Phát triển chính quyền số, huyện chỉ đạo triển khai hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số. 100% văn bản được xử lý và gửi trên môi trường mạng; 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai phần mềm quản lý văn bản điều hành đồng bộ, hiệu quả, với 1.165 tài khoản sử dụng. 100% văn bản đến được phê duyệt, xử lý kịp thời; bình quân có trên 20.000 văn bản/năm được ký số và ban hành trên hệ thống quản lý văn bản điều hành.

Đến nay, huyện đã cung cấp 200 dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện; 13 dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc thẩm quyền UBND cấp xã. Từ đầu năm đến nay, 99,1% số hồ sơ TTHC cấp huyện, 99,6% số hồ sơ TTHC cấp xã được xử lý trực tuyến toàn trình. Huyện còn thiết lập và đưa vào thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh huyện; tích hợp chức năng đánh giá sự hài lòng của người dân thông qua mã Code QR tại bộ phận một cửa của 19 xã, thị trấn để tương tác với người dân, phục vụ công tác giám sát, chỉ đạo của huyện đối với các xã, thị trấn. 8 tháng qua, Trung tâm điều hành thông minh huyện nhận 2.234 lượt quét mã QR phản hồi từ người dân, trong đó 2.717 lượt hài lòng, 517 lượt rất hài lòng, chỉ có 3 lượt không hài lòng.

Triển khai phát triển kinh tế số, từ năm 2022 đến nay, huyện tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và chuỗi giá trị nông sản huyện Sông Mã” cho các HTX trên địa bàn. Thí điểm hỗ trợ các HTX nông, lâm nghiệp thực hiện chuyển đổi số, như: Tập huấn ứng dụng phần mềm, cài đặt phần mềm quản lý theo chuyển đổi số cho quy trình sản xuất VietGAP và quản lý mã số vùng trồng; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu của HTX, kiểm soát nhật ký sản xuất, mã số vùng trồng, quản lý giám sát nguồn gốc được thực hiện trên không gian số. Phối hợp với Trung ương đoàn, Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn trong huyện. Các phòng chuyên môn của huyện hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình tham gia các sàn thương mại điện tử, nhất là vùng sâu, vùng xa, giúp nông dân cung cấp hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử; tìm kiếm đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng, ưu tiên lĩnh vực sản xuất, chế biến. Hiện nay, Bưu điện huyện và Trung tâm Viễn thông Sông Mã - Sốp Cộp, Viettel Sông Mã - Sốp Cộp triển khai kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX Nuôi ong mật Sông Mã đưa sản phẩm mật ong nhãn lên sàn thương mại điện tử Postmart, Vinmart, Bachhoa... và các nền tảng mạng xã hội Zalo, TikTok. Ông Hoàng Mạnh Đoàn, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX có 15 thành viên, nuôi hơn 5.300 đàn ong, chủ yếu là giống ong ngoại Ý, sản lượng đạt 140 tấn mật/năm; thu nhập bình quân 800 triệu đồng/thành viên/năm. Vừa qua, HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và được nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành trong cả nước biết đến. Doanh thu đạt 12 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động và trên 100 lao động thời vụ, thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.