Sign In

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho xã hội số

Ngày 6/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực trong xã hội số”.

Đại biểu tham dự sự kiện đã cùng tìm hiểu, đánh giá thách thức và cơ hội đối với nguồn nhân lực trong quá trình hình thành xã hội số; từ đó gợi mở cho Việt Nam trong xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực số.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh cho biết, việc ứng dụng và áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Things), điện toán đám mây (Cloud), Robot thông minh, công nghệ in 3D, công nghệ chuỗi khối (Blockchain)… trong quản lý xã hội, kinh doanh, giao tiếp đã và đang tạo ra những thay đổi lớn trong phương thức quản lý, điều hành, cách thức làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp cũng như văn hóa của người dân.

Việc tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt của đời sống giúp người dân được kết nối, sử dụng các dịch vụ số, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, tạo nên thói quen số và văn hoá số... Phát triển xã hội số giúp người dân tham gia dễ dàng vào các hoạt động xã hội, mang đến cơ hội bình đẳng, thuận lợi hơn trong giao tiếp, góp phần cải thiện dân trí, nâng cao chất lượng cuộc sống. Xã hội số cùng Chính phủ số, kinh tế số cấu thành các trụ cột của quốc gia số.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội UNESCO, ông Jonathan Baker cho biết, UNESCO đã cung cấp các khung năng lực và hướng dẫn về kỹ năng số, giáo dục truyền thông và năng lực chuyển đổi số trong khu vực công. Ông Jonathan Baker khẳng định, UNESCO cam kết đồng hành cùng Việt Nam xây dựng một xã hội số thông qua hợp tác, đổi mới và chính sách bao trùm nhằm đạt được sự phát triển bền vững và công bằng. 

Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), cho biết, nhiều ứng dụng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot thông minh giúp thay đổi phương thức quản lý, kinh doanh, giao tiếp xã hội, tạo nền tảng cho sự hình thành xã hội số. Phát triển nhân lực số từ xây dựng lực lượng chuyên gia công nghệ đến việc người dân thành thạo kỹ năng số, là yếu tố then chốt để xây dựng kinh tế số và xã hội số quốc gia. Thực hiện hiệu quả chính sách phát triển nguồn nhân lực số đóng vai trò quyết định trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược quốc gia từ 2025 đến 2030. 

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực trong xã hội số”.

Đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực công nhân và người lao động Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng, cho rằng, cần cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, tập trung vào kỹ năng nghề, giảm lý thuyết không cần thiết.

Bên cạnh đó, hoàn thiện khung trình độ quốc gia, khuyến khích học tập suốt đời, tích hợp kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp để điều chỉnh nội dung đào tạo phù hợp thực tế. Đồng thời, cần rà soát, điều chỉnh chính sách lương và chế độ đãi ngộ để cải thiện mức sống, tạo niềm tin cho công nhân, xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi công việc do ảnh hưởng của chuyển đổi số.

Đối với doanh nghiệp, tăng cường hợp tác với cơ sở đào tạo, tham gia xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo, tạo cơ hội học tập nâng cao tay nghề và kỹ năng cho nhân viên; chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, ngoại ngữ và công nghệ thông tin, đồng thời khuyến khích nhân viên tự học và cập nhật xu hướng mới, công nghệ mới nhằm duy trì sự cạnh tranh và đổi mới.

Các đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số, cần đẩy mạnh cá nhân hóa trong đào tạo, thiết kế các chương trình linh hoạt phù hợp với từng nhóm đối tượng và vị trí công việc, đồng thời xây dựng hệ thống học tập trực tuyến (e-learning) để người lao động dễ dàng tiếp cận các khóa học mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, cần tổ chức đào tạo liên tục và định kỳ để cập nhật kỹ năng làm việc trên nền tảng số và xử lý các thao tác phức tạp; cải thiện môi trường làm việc số bao gồm nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng internet ổn định, tốc độ cao và cung cấp các phần mềm chuyên dụng hiệu quả, dễ sử dụng.

Đồng thời, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng với các chuẩn mực rõ ràng về hành vi, giao tiếp và bảo mật thông tin, đồng thời tổ chức các chương trình truyền thông nội bộ để nâng cao nhận thức về văn hóa số và an ninh mạng.

Tin, ảnh: Lý Thanh Hương (TTXVN)

thunga

Tag: