Sign In

Hà Nội chuyển đổi số: Đẩy nhanh xây dựng công dân số, xã hội số

Hà Nội với quy mô dân số và địa bàn rộng, việc triển khai gặp khó khăn hơn các địa phương khác, song với sự quyết liệt chỉ đạo và vào cuộc thực hiện, công tác chuyển đổi số đã tạo những bước đột phá từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính quyền, người dân.
Kết quả đó thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt rõ nét ở việc phát triển các ứng dụng dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp nhờ chuyển đổi số
Theo UBND TP Hà Nội, trong năm 2023, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì, vận hành hiệu quả các trang/cổng thông tin điện tử phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định. Sau khi có hướng dẫn kỹ thuật của Bộ TT&TT, TP tổ chức triển khai các trang/cổng này của các cơ quan Nhà nước TP đảm bảo theo quy định, đáp ứng yêu cầu.
Đáng chú ý, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của TP được xây dựng, đưa vào vận hành thử tại các đơn vị trực thuộc TP từ ngày 11/4/2023, đã đáp ứng đầy đủ chức năng và tính năng theo quy định, nhất là những yêu cầu mới về xác thực định danh điện tử cho công dân và doanh nghiệp, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của TP.
Đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử và khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp, đến cuối năm 2023, việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; đã có 99,5% tổ chức, doanh nghiệp và 100% hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế đang hoạt động trên địa bàn TP đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, TP đã triển khai đồng bộ chữ ký số trên các hệ thống (hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin giải quyết TTHC, hệ thống thông tin báo cáo) phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến, với 13.285 chữ ký số đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho cán bộ, công chức thuộc TP. Đến nay, hơn 41.000 chữ ký số miễn phí đã được các doanh nghiệp cấp cho công dân Hà Nội để thực hiện TTHC, giao dịch điện tử.
Đặc biệt, kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính thông qua ứng dụng zalo trong năm qua cũng tiếp tục được duy trì vận hành, nhằm góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước.
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế số, xã hôi số
Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và chuyển đổi số TP Hà Nội, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến 2030, xác định rõ những chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện về phát triển kinh tế số, xã hội số. Đến nay, một số chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành, nổi bật như: 100 xã, phường, thị trấn đã có hạ tầng cáp quang; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến hộ gia đình đạt tỷ lệ 93,15%; số thuê bao di động là băng rộng đạt tỷ lệ 121%; số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt tỷ lệ 27,3%; tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh đạt 122,7%; tỷ lệ thuê bao di động sử dụng Smartphone trên tổng số thuê bao điện thoại đi động đạt 81,7%...
Đáng chú ý, trong năm qua, TP tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế số và xã hội số trên hệ thống báo chí của TP và Trung ương. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; tổ chức đào tạo cho công chức của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã về chuyển đổi số nói chung và kinh tế số, xã hội số nói riêng.
Dấu mốc quan trọng là ngày 18/10/2023, TP tổ chức Hội thảo “An toàn thông tin cho Doanh nghiệp trong kỷ nguyên chuyển đổi số”, nhằm giúp doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn thông tin, những cơ hội và thách thức của việc đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời tạo điều kiện kết nối, trao đối kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Cũng nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triến kinh tế số của Thủ đô, TP đã tổ chức sự kiện “Phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”-  một trong những hoạt động tiêu biểu trong chuỗi hoạt động, sự kiện của TP hưởng ứng Ngày Chuyển đổi Quốc gia 10/10, “Tháng 10 - Tháng Tiêu dùng số” và mở đầu cho triển khai diện rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Theo 10 ngân hàng, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tham gia sự kiện này, tính đến hết ngày sau 2 ngày (7-8/10) triển khai gian hàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, các đơn vị đã tư vấn cho 6.185 khách và mở tài khoản cho 4.534 khách tham quan. Đồng thời, hướng dẫn hệ thống truyền thanh cơ sở, các cơ quan báo chí của Hà Nội và đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương phối hợp tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP; chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động nghiên cứu, đề xuất, triển khai, công nhận mô hình tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp tình hình thực tế của địa phương và nhân rộng trên toàn TP thời gian tới. Đến nay, nhiều quận, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện với nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh đó, hiện TP đang tổ chức tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất phát triển “Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo TP Hà Nội”. Cùng với tiếp nhận các dự án/ý tưởng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo chung trong lĩnh vực CNTT được tuyển chọn 1 lần/năm, Vườn ươm tiến hành tuyển chọn theo những lĩnh vực chuyên sâu phù hợp định hướng ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, công nghiệp ICT, ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử của TP nhằm tập trung nguồn lực, hỗ trợ các dự án/ý tưởng khởi nghiệp phát triển.
Đồng thời, Vườn ươm sẽ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, đào tạo theo nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, liên kết với các tổ chức quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế, nhà đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp xúc trực tiếp với các dự án khởi nghiệp, để có thể sẵn sàng đầu tư cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Ngoài ra, TP cũng giao Sở TT&TT tiếp tục hướng dẫn các huyện theo chương trình xây dựng nông thôn mới về triển khai những mô hình thôn thông minh, xã thông minh, trong đó tập trung các nội dung phát triển kinh tế số và xã hội số; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ TT&TT để học tập kỹ năng số.

Anh Thư