Sign In

Yên Bái phổ cập kỹ năng số đến toàn dân

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, là đối tượng thụ hưởng chính trong chuyển đổi số (CĐS), thời gian qua, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm phổ cập kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quá trình CĐS.
Dạo quanh các siêu thị, cửa hàng tiện ích hay các chợ truyền thống, quán ăn, cà phê… giờ đây sẽ rất ít thấy khách hàng thanh toán các dịch vụ bằng tiền mặt. Thay vào đó, người dân chủ yếu sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số. 

Chị Phùng Thị Lành - xã Đại Phác, huyện Văn Yên cho biết: "Giờ đi ra đường không còn lo cầm ví đi như trước đây mà chỉ cần cầm theo chiếc điện thoại là tôi có thể mua mọi thứ mình cần.  Mọi giao dịch được thanh toán một cách dễ dàng, tránh các rủi ro khi sử dụng tiền mặt nên thanh toán không dùng tiền mặt là lựa chọn của tôi”. 

Là hộ kinh doanh nhà hàng trên địa bàn thành phố, anh Ngọc Thắng - phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Ứng dụng nộp thuế điện tử eTax Mobile tôi thấy rất tiện ích, ở bất cứ đâu, chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể thực hiện nghĩa vụ thuế đúng thời gian, tiết kiệm được khá nhiều thời gian, chi phí đi lại. Cùng với đó, tôi lại chủ động được công việc cá nhân mà vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin về nghĩa vụ thuế với Nhà nước”. 

Trong tiến trình CĐS, các nền tảng, công nghệ số thiết yếu phục vụ cuộc sống như: Yên Bái - S, Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, sàn thương mại điện tử, ứng dụng tra cứu thuế eTax Mobile, ứng dụng chăm sóc khách hàng của ngành điện, chữ ký số công cộng… là những tiện ích hết sức thiết thực, gần gũi với đời sống xã hội, phục vụ trực tiếp người dân, doanh nghiệp. Để đưa được những tiện ích này đến gần hơn với người dân, thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số và phổ cập nền tảng công nghệ số cho cộng đồng.

Giờ đây, việc sử dụng các nền tảng số thiết yếu đã dần trở thành thói quen. Đến nay, 100% doanh nghiệp đã sử dụng nền tảng số; trong đó, 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử. Thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, đạt 68,72%, trong đó, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt dịch vụ điện trên tổng số khách hàng đạt 74%, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt dịch vụ nước trên tổng số khách hàng đạt 62%. Đồng thời, mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh trên địa bàn toàn tỉnh với trên 700 điểm quét mã QR trong thanh toán. Một số địa phương triển khai mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao như: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Yên…

Cùng với đó, toàn tỉnh đã có gần 400.000 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt mức độ 2 trên VNeID, đạt xấp xỉ 90% tổng số tài khoản định danh điện tử đã được cấp. Nền tảng VNeID được chuẩn hóa, cập nhật nhiều chức năng mới giúp người dân thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng phục vụ cuộc sống, như: sử dụng VNeID để xuất trình bằng lái xe, giấy phép lái xe, đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế… mà không cần phải xuất trình bản giấy. Ngoài ra, từ ngày 1/9/2024, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái đã thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp điện tử để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có nhu cầu. 

Là tỉnh đầu tiên khởi động mô hình "Bình dân học AI” trên cả nước, đến nay, phong trào tiếp tục được lan tỏa, thúc đẩy, nhiều địa phương đã chủ động triển khai rộng rãi phong trào học tập, chia sẻ, lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm về AI để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống,góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. 

Được coi là "mạch máu” của chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; hạ tầng số có vai trò quan trọng kết nối dữ liệu, đáp ứng phương thức quản lý thông minh. Do đó, thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã hoàn thành xóa 39 vùng lõm sóng, trắng sóng 3G, 4G; xây dựng, nâng cấp được 137 trạm thu phát sóng di động, đưa tổng số trạm phát sóng di động trên địa bàn tỉnh là 2.468 trạm. Mạng di động 4G được phủ sóng trên 98,5% thôn, bản (tăng 0,7% so với năm 2023). 

Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được 42.459 thuê bao từ 2G lên 3G - 4G, hỗ trợ hơn 7.250 điện thoại thông minh để người dân có điều kiện tham gia vào công cuộc CĐS. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên địa bàn toàn tỉnh đạt 53,2%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử toàn tỉnh đạt 79%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết  đạt 77,9%. 


Hiện nay, gần 70% người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch.

Với quan điểm CĐS để giúp giải quyết tốt các vấn đề của cuộc sống, cùng với các hoạt động CĐS đã và đang diễn ra hàng ngày, tỉnh Yên Bái cũng đã tăng cường thêm nhiều hoạt động thiết thực để hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2024. 

Ông Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh cho biết: Kế hoạch tổ chức Ngày Chuyển đổi số tỉnh năm 2024 nêu rõ mục đích, yêu cầu là xây dựng và phổ biến thông điệp Ngày CĐS quốc gia năm 2024 là "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” nhằm nâng cao nhận thức, sự tham gia vào công cuộc CĐS của cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, các hoạt động hưởng ứng được tỉnh thực hiện theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả như: phát động tổ chức Chiến dịch "Phổ cập các nền tảng, công nghệ số thiết yếu đến người dân”; tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng tỉnh Yên Bái năm 2024”; phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức học điều khiển trí tuệ nhân tạo phục vụ công việc”; tổ chức Chiến dịch truyền thông "Nhận diện và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng”… góp phần tiếp tục đẩy mạnh công tác CĐS theo hướng thiết thực, hiệu quả mang đặc trưng Yên Bái "CĐS để người dân hạnh phúc hơn".

Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp chính là giải pháp thiết thực mà tỉnh Yên Bái đang thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến từng người dân. Từ đó, mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân và góp phần để công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh thực sự "toàn dân, toàn diện”.

 

thudna

Tag: