Sign In

Bắc Kạn: Thúc đẩy người dân tham gia hoạt động chuyển đổi số

Với phương châm lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số, từng bước hình thành công dân số, hướng đến Chính phủ số, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động chuyển đổi số.
Phát huy vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng
Từ tháng 10/2022, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai việc thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân. Đây được xem là lực lượng nòng cốt ở cơ sở đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Đến hết năm 2022, 108/108 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.044 thành viên; thành lập 1292/1292 Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 6.062 thành viên.
Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn sau khi được tập huấn, hướng dẫn đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong xã, trong thôn; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn. Cùng với đó là hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh như đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn” mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số; áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khi thanh toán các dịch vụ y tế, giáo dục, chợ điện tử và tham gia mua bán hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn chưa thực sự phát huy được hiệu quả do các thành viên của Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã là cán bộ, công chức kiêm nhiệm; Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn là những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhận thức về chuyển đổi số còn hạn chế, đặc biệt là về an toàn thông tin; cùng với đó là khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, việc tiếp cận của người dân…
Hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành 
Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ người dân có phương tiện tiếp cận thông tin, tiếp cận với các ứng dụng về thông tin và khoa học công nghệ, các dịch vụ công trực tuyến, qua đó nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, định danh điện tử, từng bước hình thành “xã hội số”, “công dân số” cũng như đáp ứng Chương trình chuyển đổi số quốc gia. 
Bắc Kạn là địa phương đầu tiên trong toàn quốc thực hiện Chương trình hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành. Chương trình được triển khai trước hết tại 8 xã, phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023. Sau hơn một tháng phát động, Chương trình đã nhận được sự tham gia ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đến ngày 31/8/2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức trao đợt 1 với 176 chiếc điện thoại thông minh cho lãnh đạo UBND các huyện, thành phố để chuyển đến cho người dân thuộc đối tượng được thụ hưởng. 
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện trên 8 địa bàn thí điểm chuyển đổi số còn hơn 4.000 người trong độ tuổi trưởng thành chưa có điện thoại thông minh, vì vậy, Chương trình đang rất cần sự tiếp tục chung tay ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để hoàn thành mục tiêu 100% người dân trưởng thành (người đủ 18 tuổi trở lên) sinh sống tại 8 xã, phường thí điểm chuyển đổi số có điện thoại thông minh để sử dụng.
Hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Xác định dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực cung ứng, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để thụ hưởng nhiều tiện ích, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. 
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều cơ quan đơn vị, địa phương đã có sáng kiến hỗ trợ, thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Điển hình như Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc Văn phòng UBND tỉnh và Đoàn Các cơ quan tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn; UBND thành phố Bắc Kạn giao Chi đoàn khối Dân - Chính - Đảng thành phố phân công đoàn viên trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký, tạo tài khoản, cách thức thực hiện nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận Một cửa của thành phố. Để tạo thuận lợi cho người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến, Văn phòng UBND tỉnh cũng đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh tỉnh ký kết chương trình phối hợp mở tài khoản ngân hàng miễn phí cho tổ chức, cá nhân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.
Bên cạnh đó, các sở, ngành chức năng, các địa phương đã công bố, thông báo rộng rãi các danh mục dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết, đồng thời hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh để các tổ chức, cá nhân, người dân biết, thực hiện.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, kết quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng số của người dân chưa đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến hết quý III mới đạt 64,28%, trong khi tỷ lệ yêu cầu là 80%.
Tập trung thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số
Nhằm tiếp tục thúc đẩy, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, khai thác sử dụng các ứng dụng số thiết thực đối với người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với Tỉnh đoàn Bắc Kạn và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, đặc biệt là Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Tổ Công nghệ số cộng đồng tại địa phương phát huy tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thiết lập mỗi người dân một tài khoản dịch vụ công trực tuyến và một kho dữ liệu cá nhân trực tuyến để sử dụng dịch vụ công; khuyến cáo, hướng dẫn người dân mua sắm trực tuyến gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhận diện các trang mua sắm trực tuyến tin cậy, thanh toán trực tuyến an toàn, tiện lợi, tự bảo vệ mình trên không gian mạng, tránh trường hợp bị lừa đảo trực tuyến, bị đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thành lập các nhóm hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến; đồng thời bố trí lực lượng hỗ trợ tại Bộ phận Một cửa để hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Giao Sở Thông tin và Truyền thông biên tập tài liệu hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng số cơ bản và gửi cho các nhóm hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến; Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng tài liệu về chuyển đổi số đưa vào các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để tuyên truyền, nâng cao kỹ năng số cho học sinh trên địa bàn tỉnh, bắt đầu từ tháng 11/2023.../.
 

thunga

Tag: