Sign In

Chuyển đổi số Việt Nam đạt nhiều kết quả nổi bật trong tháng 3/2025

Thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; các Chương trình, Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, công tác chuyển đổi số quốc gia tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật trong tháng 3/2025.

Chuyển đổi số được xem là động lực then chốt giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trở thành xu thế tất yếu và lan tỏa mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực đời sống.

Một số kết quả nổi bật đạt được

Theo Báo cáo số 44/BC-KHCN về Chuyển đổi số quốc gia tháng 3/2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam đạt nhiều thành tựu nổi bật về các lĩnh vực: hạ tầng số, kinh tế số, công tác phát triển và hoàn thiện thể chế số, đặc biệt là đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia,…

Để hiện thực hoá mục tiêu về chuyển đổi số, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tại các bộ, ngành, địa phương đã được kiện toàn, triển khai. Tính đến hết ngày 26/3/2025; tại các bộ, ngành, địa phương đã có 09/22 bộ, ngành; 43/63 địa phương thành lập/kiện toàn Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06.

 

                                       anh tin bai

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết  số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Ngoài ra, đã có 56/63 địa phương; 16/22 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP.

Về đột phá về đổi mới tư duy chuyển đổi số quốc gia, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển đất nước được các bộ, ngành, địa phương thực hiện dưới nhiều hình thức: Hội nghị quán triệt; thực hiện các chương trình, chuyên mục tuyên truyền. Từ 22/12/2024 đến nay có 11.758 tin bài; 04 cơ quan báo chí mở chuyên mục riêng (VnExpress, VietnamNet, Báo Nhân Dân, Tạp chí Thông tin và Truyền thông), các báo khác đăng trong mục khoa học công nghệ có sẵn. VTV, VOV và khoảng 30 Đài Phát thanh – Truyền hình đã mở chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền Nghị quyết số 57-NQ/TW; một số Đài thực hiện chương trình và phát sóng lồng ghép vào các chuyên mục chuyển đổi số hoặc chương trình thời sự.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ban hành Kế hoạch triển khai phong trào Bình dân học vụ số (Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW ngày 21/03/2025) và tổ chức Lễ Phát động, ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số” tại Đại học Bách Khoa Hà Nội vào chiều ngày 26/03/2025.

 

Việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ đang được thực hiện đồng bộ và quyết liệt trên cả nước. Chính sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí, truyền thông là vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Về phát triển, hoàn thiện thể chế số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo; Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đã trình Chính phủ ban hành tại Tờ trình số 21/TTr-BKHCN ngày 20/03/2025.

Về hạ tầng số, định hướng phát triển nhanh, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong thời đại số hiện nay. Theo đó, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,6%. Đặc biệt, để triển khai nhanh 5G, hai doanh nghiệp Viettel, VNPT dự kiến triển khai tối thiểu 20.000 trạm BTS 5G trong năm 2025 để thực hiện nhiệm vụ theo kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp tổng kết Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2024 và cam kết của doanh nghiệp.

Đối với hạ tầng viễn thông, 83,3% hộ gia đình sử dụng cáp quang, trong khi tốc độ băng rộng cố định của Việt Nam đạt 164,77 Mbit/s vào tháng 2/2025, xếp thứ 35 trên 154 quốc gia.

Về chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong tháng 02/2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên cả nước đạt 40,08%. Đây là một bước tiến trong việc hiện đại hóa hành chính, tuy nhiên, con số này đã giảm 5% so với tháng 12/2024, cho thấy cần có các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn để duy trì và nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, việc phát triển dữ liệu số đang được triển khai mạnh mẽ. Bộ Công an hiện đang thí điểm hệ thống tại Trung tâm dữ liệu quốc gia, tập trung vào việc tạo lập Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phân tích dữ liệu tạo ra các bộ chỉ số phục vụ điều hành, quản trị thông minh. Đặc biệt, triển khai 10 dịch vụ công theo mô hình mới trên cơ sở sử dụng dữ liệu điều phối từ Trung tâm dữ liệu quốc gia. Từ đó, đánh giá, hoàn thiện Cổng dịch vụ Công quốc gia tại Bộ Công an.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Từ đầu năm 2025 đến nay, hệ thống này đã thực hiện 236,6 triệu giao dịch. Một số dịch vụ có lượng giao dịch lớn bao gồm: hệ thống phần mềm một cửa điện tử với phần mềm lý lịch tư pháp (trên 21 triệu giao dịch); gửi hồ sơ, đồng bộ trạng thái xử lý, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về hộ tịch dạng điện tử đạt trên 18,5 triệu giao dịch; dịch vụ chia sẻ dữ liệu GPLX đạt trên 12,1 triệu;…

Trong lĩnh vực quản trị số, việc chuyển đổi số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đang được thúc đẩy theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 20/9/2024. Mục tiêu của kế hoạch này là xây dựng mô hình chính phủ không giấy tờ, thực hiện ký số và giao dịch trên môi trường số. Hiện nay, hơn 30 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện, tạo nền tảng vững chắc để hướng đến một nền hành chính số hóa, hiện đại và hiệu quả hơn.

Về kinh tế số, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực thúc đẩy các địa phương triển khai các khu công nghiệp công nghệ số/khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công tác phát triển doanh nghiệp công nghệ số cũng đang được đẩy mạnh. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 80.000 doanh nghiệp công nghệ số. Tính đến tháng 01/2025, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã đạt 74.212, tăng thêm 424 doanh nghiệp, tương ứng với mức tăng trưởng 3,53% so với kế hoạch năm 2025. Những con số này cho thấy sự phát triển tích cực của hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số và chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực.

Về phát triển công dân số, việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip đã đạt hơn 87 triệu thẻ, góp phần quan trọng vào quá trình số hóa danh tính cá nhân và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản người dùng trên ứng dụng VNeID đã vượt mốc 55,25 triệu; 14,2 triệu hồ sơ giấy phép lái xe được tích hợp vào VNeID, giúp người dân dễ dàng quản lý và tra cứu thông tin tiện lợi và nhanh chóng. Nhiều dịch vụ mới đã được triển khai trên ứng dụng VNeID: đăng ký xe đối với xe nhập khẩu, cập nhật, điều chỉnh thông tin đơn vị hành chính khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, phường trên CSDL quốc gia về dân cư,... Những tính năng này giúp tối ưu hóa quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và chi phí cho công dân.

 

                                                                     anh tin bai

Đẩy mạnh phát triển ứng dụng VNeID hướng tới công dân số

Song song với đó, chữ ký số cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Tính đến tháng 03/2025, tổng số chứng thư chữ ký số được cấp đã đạt 15,1 triệu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện giao dịch điện tử an toàn và bảo mật. Việc mở rộng sử dụng chữ ký số không chỉ tiết kiệm chi phí giấy tờ, thời gian luân chuyển trong hoạt động quản lý công văn, giấy tờ, thư điện tử, mà còn giúp đẩy nhanh các giao dịch qua mạng, đảm bảo độ an toàn và bảo mật thông tin, hướng đến một xã hội số toàn diện hơn.

Chuyển đổi số được coi là một chiến lược dài hạn, đem lại cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hiện đại hóa toàn diện. Từ đó góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng trong thời gian tới.

tn

File đính kèm:

Tag: