Sign In

Hải Phòng: Hoàn thành số hóa Sổ hộ tịch lịch sử của thành phố

Ngày 18/11/2021, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 3336/QĐ-UBND phê duyệt Thuyết minh và dự toán hoạt động ứng dụng CNTT: Đề án số hóa sổ hộ tịch lịch sử của TP Hải Phòng (sau đây gọi là Đề án) với tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021-2023, giao Sở Tư pháp là chủ đầu tư. Đến nay, Đề án đã cơ bản được hoàn thành, chuyển đổi toàn bộ thông tin hộ tịch lịch sử của thành phố hiện đang lưu trữ bằng sổ giấy của 05 loại sổ đăng ký hộ tịch (gồm: khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận cha mẹ con và cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân) tại các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch ở cả 03 cấp (Sở Tư pháp, 15 Phòng Tư pháp quận, huyện và 217 Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn) từ năm 1922 đến năm 2015.

Chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành

Để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, ngay sau khi Quyết định số 3336/QĐ-UBND được ban hành, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 1876/KH-STP ngày 29/11/2021 về việc tổ chức thực hiện Đề án; đồng thời phối hợp với các Sở: Tài chính, Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc Đề án, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện Đề án theo quy định và tổ chức thi công số hóa từ tháng 5/2022.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho việc tổ chức thực hiện thống nhất Đề án trên toàn thành phố, ngày 04/5/2022, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn số hóa Sổ hộ tịch lịch sử cho cán bộ Phòng Tư pháp và công chức tư pháp của các xã, phường, thị trấn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND thành phố ban hành và trực tiếp ban hành 130 văn bản chỉ đạo thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp kịp thời xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ về kỹ thuật; đôn đốc nhà thầu tổ chức thi công; đồng thời đề nghị UBND quận, huyện chỉ đạo, đôn đốc các phòng Tư pháp, UBND cấp xã thực hiện rà soát, phê duyệt và chuyển dữ liệu đã số hóa vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT) bám sát tiến độ Đề án.

Hàng tháng, Sở Tư pháp đều có văn bản báo cáo Bộ Tư pháp, UBND thành phố tình hình, tiến độ, vướng mắc trong quá trình số hóa Sổ hộ tịch lịch sử thành phố Hải Phòng và các văn bản phối hợp đôn đốc nhà thầu, UBND quận, huyện thực hiện Đề án.

Căn cứ kế hoạch thi công của Sở Tư pháp, UBND các quận, huyện đã ban hành kế hoạch, văn bản triển khai kịp thời bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND thành phố, kế hoạch, hướng dẫn của Sở Tư pháp và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 100% các đơn vị đều nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và công chức tư pháp trong công tác số hóa sổ hộ tịch lịch sử của thành phố Hải Phòng.

Tích hợp toàn bộ dữ liệu hộ tịch lịch sử của thành phố Hải Phòng trên Phần mềm hộ tịch 158 của Bộ Tư pháp

Ngay sau khi được UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Sở Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức đấu thầu theo quy định lựa chọn các nhà thầu thực hiện Đề án. Đến hết tháng 10/2023, Sở Tư pháp đã phối hợp với các nhà thầu và UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn hoàn thành việc thi công số hóa theo đúng tiến độ của Đề án. Nhà thầu thực hiện số hóa (scan, nhập liệu), tích hợp và bàn giao toàn bộ dữ liệu hộ tịch lịch sử của thành phố Hải Phòng tại 15 điểm thi công (Sở Tư pháp và 14 quận, huyện) lên Phần mềm hộ tịch 158 để các cơ quan quản lý sổ hộ tịch rà soát phê duyệt và chuyển dữ liệu vào CSDLHTĐT theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại văn bản số 1437/BTP-CNTT ngày 25/4/2019 và Đề án

Sau khi thực hiện số hóa, toàn bộ dữ liệu hộ tịch lịch sử của thành phố Hải Phòng đã được tích hợp trên Phần mềm hộ tịch 158 của Bộ Tư pháp trong đó trên 2,2 triệu dữ liệu đã được chuyển vào CSDLHTĐT để các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác theo quy định pháp luật hộ tịch. Cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch khai thác CSDLHTĐT để cấp bản sao trích lục hộ tịch không phụ thuộc vào nơi đăng ký, xác nhận thông tin hộ tịch… những dữ liệu còn lại chưa chuyển vào CSDLHTĐT, được phép khai thác trên Phần mềm hộ tịch 158 để tra cứu, xác minh phục vụ hoạt động quản lý và đăng ký hộ tịch, đảm bảo mục tiêu chung của Đề án. Việc quản lý dữ liệu hộ tịch mang tính thống nhất, đồng bộ. Sở Tư pháp đã quản lý và tra tìm được toàn bộ thông tin hộ tịch của người dân đã được đăng ký tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thành phố từ năm 1922 đến nay, phòng Tư pháp quận, huyện quản lý toàn bộ dữ liệu đăng ký hộ tịch trên địa bàn quận, huyện, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân cũng như các cơ quan quản lý hộ tịch. Dữ liệu hộ tịch lịch sử của thành phố sau khi hoàn thành số hóa, được Bộ Tư pháp tích hợp vào CSDHLTĐT kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác là tiền đề, cơ sở để thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, liên thông các TTHC, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số nói chung và của thành phố Hải Phòng nói riêng trong lĩnh vực tư pháp.

Anh Thư

Tag: