00:00 19/08/2024
Kinh tế số không phải chỉ có màu hồng
Theo số liệu được nêu tại cuộc tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, nền kinh tế số Việt Nam dự kiến chạm mốc 45 tỷ USD vào năm 2025 nhờ sự thúc đẩy của thương mại điện tử. Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, nhưng thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ước tính, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 20,5 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.
Bên cạnh những con số vĩ mô, TS. Võ Trí Thành cũng chỉ ra, chưa bao giờ nền kinh tế số lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay. Đối với việc làm trực tiếp, chưa nói đến đội ngũ shipper, riêng TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 90 nghìn người kinh doanh online, tức khoảng 0,8% dân số thành phố.
Với tiềm năng, cơ hội vô cùng lớn, phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam có thể bắt kịp với các nước đi trước. Đây là lĩnh vực có thể tạo ra hàng triệu việc làm, cả trực tiếp và gián tiếp. Đóng góp cho ngân sách từ kinh tế số cũng ngày càng cao, nhất là khi cơ quan quản lý đã giám sát hoạt động thương mại điện tử ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, nói về kinh tế số không phải chỉ có màu hồng. Theo TS. Võ Trí Thành, quá trình phát triển kinh tế số đang đặt ra nhiều vấn đề về chính sách. Đầu tiên, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp, tạo ra những tác động không mong muốn. Điều này đòi hỏi phải có sự quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau.
Đi cùng với đó, thể chế cho lĩnh vực này còn nhiều điều phải hoàn thiện. Trong đó, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh 3 vấn đề lớn. Trước hết là các văn bản, khung pháp lý ứng xử với dữ liệu, bởi đây là nguồn lực mới, một nhân tố sản xuất mới và toàn bộ các hoạt động, dù là công nghệ hiện đại đến đâu thì đều dựa trên dữ liệu, nhất là dữ liệu lớn (Big Data). Thứ hai là các nền tảng kết nối, trao đổi điện tử với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, cùng các vấn đề về trách nhiệm, tranh chấp nếu có. Thứ ba là tuân thủ các cam kết, thỏa thuận hợp tác và chuẩn mực quốc tế về dịch chuyển hàng hóa, dòng thông tin, dòng tài chính.
Dữ liệu là chìa khóa thực thi pháp luật về thương mại điện tử
TS. Võ Trí Thành lưu ý, có một số vấn đề cần giải quyết nếu muốn tạo đột phá cho nền kinh tế số nói chung trong đó có thương mại điện tử. Đó là, hoàn thiện thể chế về giao dịch điện tử, cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu đối với tài sản, bảo vệ người tiêu dùng; thúc đẩy sáng tạo, bắt kịp những mô hình kinh doanh mới; hạ tầng (bao gồm logistic, hạ tầng số).
Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cũng nhắc lại vấn đề này và khẳng định, trải nghiệm khách hàng, giải quyết khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn với mọi doanh nghiệp thương mại điện tử. Shopee đã đầu tư rất lớn vào thị trường Việt Nam, với những cơ chế để kiểm soát, tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng như giao hàng nhanh hơn, tăng sự an tâm cho người tiêu dùng. Song song với đó, doanh nghiệp cũng mong có sự hướng dẫn từ các bộ, ngành cũng như địa phương trong những trường hợp cụ thể.
Từ góc độ cơ quan quản lý, bà Lại Việt Anh khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành luôn luôn nỗ lực và hướng tới xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng lành mạnh và bền vững.
Để phát triển bền vững, phải cân bằng tất cả các yếu tố tham gia thị trường, từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nội địa, giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp thương mại, giữa người bán hàng và người tiêu dùng…
Từ năm 2013, Việt Nam đã có nghị định khá toàn diện cho thương mại điện tử. Đến năm 2021, Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi đã tích hợp các yếu tố mới để đáp ứng mục tiêu phát triển thị trường lành mạnh.
Hiện nay, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thị trường thương mại điện tử vẫn rất được quan tâm. Trong đó, dữ liệu không chỉ là sức sống của kinh tế số, của thương mại điện tử mà cũng sẽ là một trong số những chìa khoá cho việc triển khai thực thi pháp luật về thương mại điện tử thời gian tới.
“Chúng tôi mong rằng những nỗ lực của Chính phủ trong việc kết nối dữ liệu giữa những cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể độc lập được điều chỉnh bởi pháp luật, giữa cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương và những nền tảng thương mại điện tử lớn sẽ giúp chúng ta có đầu vào để giải quyết được rất nhiều bài toán về thực thi pháp luật, về thể chế trong tương lai, từ chuyện bảo vệ người tiêu dùng, xử lý hành vi không lành mạnh trên môi trường điện tử” - bà Lại Việt Anh chia sẻ.
thudna
Chuyển đổi số ngành tư pháp: Xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyển toàn quốc về chuyển đổi số
Chuyển đổi số cần đi trước, đón đầu, có phản ứng, giải pháp phù hợp trước các công nghệ mới Chuyển đổi số cần đi trước, đón đầu, có phản ứng, giải pháp phù hợp trước các công nghệ mới
Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số
Những thách thức mới trong quản lý nền kinh tế thâm dụng dữ liệu và một số lưu ý cho Việt Nam
Trẻ em và mối hiểm họa khi tiếp xúc sớm với Chatbot AI
Ý nghĩa của các cuộc thi về chuyển đổi số
Hội thảo rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06 tại Thừa Thiên Huế
Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nỗ lực đột phá, phát triển kinh tế số ngang tầm quốc tế, khu vực