Sign In

Tân Yên: Tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, khai thác dữ liệu số

Thực hiện công tác chuyển đổi số, huyện Tân Yên đã đầu tư kinh phí, nâng cấp hệ thống đường truyền, trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tỷ lệ số hóa, tái sử dụng dữ liệu điện tử của huyện thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu tỉnh.

Đầu tư nguồn lực
Thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Các hồ sơ TTHC được số hóa và tái sử dụng thành phần, kết quả giải quyết hồ sơ cho lần tiếp nhận hồ sơ tiếp theo trên phần mềm một cửa điện tử tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.


Lãnh đạo UBND xã Quế Nham kiểm tra công tác giải quyết hồ sơ TTHC của cán bộ một cửa.


Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “Để làm tốt công tác số hóa cần bảo đảm hai yếu tố là hạ tầng và nhân lực nên từ cuối năm 2022, huyện Tân Yên đã rà soát thực trạng trang thiết bị công nghệ thông tin sử dụng tại bộ phận một cửa các cấp. Trên cơ sở đó lập kế hoạch mua sắm, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu làm việc. Trong năm 2023, huyện trang bị 23 máy photo, 52 máy scan, 98 máy vi tính, 23 máy in cho bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng”. Ngoài ra các xã, thị trấn còn bố trí máy vi tính, máy scan tại bàn hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Về đội ngũ cán bộ, công chức, huyện thường xuyên tập huấn, hướng dẫn quy trình thực hiện số hóa và kỹ năng khai thác, tái sử dụng dữ liệu trên môi trường số. Cùng đó yêu cầu nâng cao trách nhiệm trong giải quyết công việc bảo đảm đúng và trước hạn. Hằng tuần, huyện tổ chức kiểm tra nội dung công việc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ chuyên môn trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.
Từ đầu năm đến nay, huyện Tân Yên có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ công trực tuyến đạt 99,8%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 72,23%; tỷ lệ hồ sơ đúng và trước hạn đạt 99%.
Bộ phận một cửa xã Quế Nham có 3 công chức trực tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân. Mỗi công chức đều được bố trí một máy scan riêng để phục vụ số hóa thành phần hồ sơ. Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Nham cho biết: “Trung bình mỗi tháng, xã tiếp nhận từ 100 - 200 hồ sơ TTHC, nhiều nhất là lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch. Bởi vậy việc mỗi cán bộ có một máy scan riêng sẽ chủ động trong công việc, không phải chờ đợi. Ngoài ra xã còn bố trí một máy vi tính, máy scan ở khu vực chờ; phân công đồng chí công chức văn phòng thường xuyên túc trực, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến để giảm bớt phần việc cho cán bộ chuyên môn”.
Tại bộ phận một cửa huyện Tân Yên thường xuyên có đông công dân đến giao dịch. Để giảm tải công việc cho cán bộ và thuận lợi cho người dân, huyện hợp đồng với Bưu điện huyện cử hai cán bộ trực hỗ trợ, hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ. Tại khu vực này liên tục có công dân ngồi chờ được hướng dẫn, nhất là những người cao tuổi.
Chị Nguyễn Thu Trang, nhân viên bưu điện làm việc tại đây chia sẻ: “Tôi tiếp nhận hồ sơ của công dân cho lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường và scan các giấy tờ liên quan của hồ sơ, tải lên hệ thống. Như vậy cán bộ chuyên môn không mất thời gian nhập, scan giấy tờ mà dành thời gian để xử lý hồ sơ. Trung bình mỗi ngày tôi tiếp nhận, số hóa từ 80 - 100 hồ sơ”.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, huyện Tân Yên tiếp nhận hơn 13 nghìn hồ sơ; tỷ lệ số hóa thành phần hồ sơ đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 98,6%.
Đẩy mạnh số hóa hồ sơ
Số hóa hồ sơ trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC nhằm hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân bảo đảm “sống, sạch, đủ, chính xác” trên Cổng Dịch vụ công tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh đã công bố danh mục thành phần hồ sơ TTHC phải số hóa trên địa bàn tỉnh để các cơ quan chuyên môn làm căn cứ thực hiện. Cụ thể, cấp huyện có 281 thành phần hồ sơ, cấp xã có 97 thành phần hồ sơ phải số hóa. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả cung cấp, giải quyết dịch vụ công và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân thụ hưởng các tiện ích mà dịch vụ công mang lại.
Trong bối cảnh hiện nay, khối lượng công việc nhiều, nhân lực có hạn nên chuyển đổi số càng cần thiết và quan trọng. Để giảm tải phần việc cho cán bộ một cửa, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Toàn huyện thành lập 339 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 2 nghìn thành viên; trong đó nòng cốt là đoàn viên thanh niên thường xuyên tổ chức tuyên truyền lưu động và hướng dẫn trực tiếp. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã nâng cao trách nhiệm tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC; nâng tỷ lệ trả kết quả trước hạn. Như vậy người dân mới yên tâm, tin tưởng khi giao dịch qua mạng.
Anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Phúc Sơn đến làm thủ tục đăng ký biến động đất đai tại bộ phận một cửa huyện cho biết: “Kinh doanh bất động sản nên tôi thường xuyên giao dịch tại bộ phận một cửa. Nhiều giấy tờ đã được lưu trữ sẵn trên mạng nên lần này đi làm tôi không cần mang theo. Cán bộ hỗ trợ nhập hồ sơ nên không mất thời gian chờ đợi. Tôi thấy rất thuận tiện và hài lòng”.
Cùng với số hóa hồ sơ tại chỗ (tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận một cửa), huyện Tân Yên cũng tập trung số hóa hồ sơ còn hiệu lực tại các cơ quan chuyên môn. Đến nay, UBND huyện đã hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực từ tháng 5/2023 trở về trước của 29 cơ quan, đơn vị; 7 cơ quan chuyên môn và 22 xã, thị trấn với 42.381 hồ sơ, tương ứng với 150.182 trang A4. Tổng kinh phí triển khai thực hiện hơn 1,3 tỷ đồng; qua đó, góp phần làm giàu dữ liệu, nâng hiệu quả giải quyết TTHC trên môi trường số.
Về nhiệm vụ thời gian tới, huyện Tân Yên tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa các cấp; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức các bộ phận liên quan. Đẩy nhanh tiến độ cập nhật, kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, tổ chức tham gia tạo lập, sử dụng kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

thudna