Sign In

Thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số góp phần chuyển đổi số

Ứng dụng chữ ký số vào các hoạt động quản lý và giao dịch là một trong những loại hình ứng dụng kỹ thuật, công nghệ đảm bảo sự an toàn, bảo mật cao trong giao dịch điện tử. Thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số trong các hoạt động giao dịch được xem là yếu tố quan trọng nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo Nghị định số: 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành  Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và chứng thực chữ ký số, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà nước ứng dụng chữ ký số vào hoạt động quản lý, điều hành và giao dịch điện tử  bao gồm cả việc cấp chữ ký số miễn phí cho tổ chức/cá nhân có nhu cầu đang được đồng loạt triển khai.
Bắc Kạn bắt đầu sử dụng chứng thư số chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước từ năm 2015. Theo số liệu thống kê, đến nay đã cấp được 5.991 chứng thư số, với 1.146 của tổ chức và 4.845 cá nhân. Phạm vi được cấp đầy đủ và toàn diện các cơ quan Nhà nước, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã, bao gồm cả các đơn vị trực thuộc. 100% các cơ quan nhà nước và hầu hết văn bản ở cơ quan đoàn thể đã được ký số, gửi bản điện tử. Trong đó, trên 90% văn bản gửi bản điện tử hoàn toàn, không còn gửi bản giấy. Qua đó, hiệu quả xử lý văn bản, xử lý công việc  nhanh hơn rất nhiều. Đồng thời, tiết kiệm 1 khoản kinh phí không hề nhỏ cho ngân sách nhà nước, theo ước tính của Sở TTTT, chi phí tiết kiệm này mỗi năm hiện nay khoảng 10 tỷ đồng.
Đặc biệt và quan trọng hơn cả là việc triển khai sử dụng chữ ký số gắn với việc xử lý văn bản trên môi trường mạng đã thay đổi được thói quen, được tư duy, cách làm việc của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Điều này là rất quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh thúc đẩy các ứng dụng khác như Phần mềm một cửa điện tử trong giải quyết Thủ tục hành chính, các phần mềm chuyên môn, chuyên ngành khác…
Tuy nhiên,  chữ ký số đã được triển khai nhưng chủ yếu mới chỉ cung cấp ở các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, tỷ lệ người dân có chứng thư số cá nhân, sử dụng chữ ký số còn rất ít, dẫn đến còn nhiều giao dịch cá nhân thực hiện theo phương thức truyền thống trên giấy, gây lãng phí thời gian, tiền bạc và làm chậm quá trình hình thành công dân số. Trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 50% dân số trưởng thành dùng chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân, đến năm 2030 chỉ tiêu này là trên 70%. Như vậy, chữ ký số cá nhân sẽ là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng đẩy mạnh phổ cập CKSCN cho người dân. Các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để chuẩn hóa quy trình giải quyết, cải cách thủ tục hành chính thành các bước đơn giản, dễ hiểu; thực hiện số hóa và ký số hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận, trả kết quả ký số cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, văn bản điện tử cũng như các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp như: Chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử…
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông  đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số cũng như sử dụng CKSCN; trong đó tập trung giới thiệu các nội dung quản lý Nhà nước về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; vai trò của chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động Chính quyền điện tử là hạ tầng pháp lý cho các hoạt động giao dịch điện tử. Các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã còn triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng CKSCN để khai thác các dịch vụ số do các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cung ứng.
Sở Thông tin và Truyền thông huy động nguồn lực truyền thông của các doanh nghiệp viễn thông nhằm tạo ra sự đa dạng thông tin giúp người dân tiếp cận chữ ký số. Hiện tại các nhà mạng đang đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều cách thức để người dân biết đến sự thuận lợi, tiện ích của chữ ký số, qua đó nâng tối đa tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến một cách an toàn, hiệu quả.



Chữ ký số cá nhân là chữ ký điện tử có giá trị tương đương với chữ ký tay của mỗi cá nhân, được dùng với mục đích xác thực danh tính của người ký. Đây là công cụ quan trọng giúp người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đảm bảo linh hoạt ký duyệt mọi lúc, mọi nơi, không cần chuẩn bị hồ sơ bản cứng, rút ngắn tối đa thời gian giao dịch hành chính, tiết kiệm chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành. cung cấp chứng thư số bằng phương thức điện tử.
Tiện ích cho cả người dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, CKSCN đang được coi là “chìa khóa” quan trọng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số và là một trong những tài sản số quan trọng nhất, một mắt xích không thể thiếu để hình thành những công dân số. Cùng với định danh điện tử, việc đẩy mạnh cung ứng CKSCN sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, giúp người dân thực hiện các giao dịch mà không cần gặp mặt, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và tiến tới một xã hội không giấy tờ./.

thudna

Tag: