00:00 20/09/2024
Điểm sáng trong chuyển đổi số
Những năm gần đây, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng chung của toàn xã hội. Với nhiều tiện ích thiết thực mang lại trong đời sống, sinh hoạt và sản xuất, chuyển đổi số đã và đang được chính quyền các tỉnh, thành trong cả nước đẩy mạnh triển khai ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Chuyển đổi số cũng giúp người dân được tiếp cận nhanh chóng các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao chất lượng sống ở vùng đồng bào DTTS.
Là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở vùng DTTS. Các mô hình thôn, xã thông minh đang triển khai đã đưa công nghệ đến gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần đưa các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS từng bước phát triển bền vững, thu hẹp dần khoảng cách giàu, nghèo giữa miền núi, nông thôn và thành thị. UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan quản lý ngành dân tộc triển khai kế hoạch nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo an toàn thông tin, hoạt động ổn định, thông suốt, đáp ứng được yêu cầu trong việc quản lý, tổ chức triển khai. Đến năm 2025, phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ để chủ động đảm bảo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh còn phối hợp với các ban, ngành để tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số cho bà con DTTS để họ tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương. Đồng thời, bồi dưỡng kỹ năng tạo lập, biên tập thông tin, nội dung số, phương pháp truyền thông quảng bá hình ảnh và sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Qua hơn 2 năm thực hiện, lợi ích từ việc chuyển đổi số đã đi vào nhận thức, hành động của người dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị hiện đại, liên hoàn, quy trình sản xuất khép kín, tiếp cận và phát huy thương mại điện tử, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo nên những nông dân năng động, nông thôn hiện đại, trù phú, thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn. Không chỉ hỗ trợ trong phát triển sản xuất, kinh doanh mà chương trình chuyển đổi số cũng đang là “đòn bẩy” quảng bá sản vật, đặc sản truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng cao, vùng đồng bào DTTS.
Vượt qua những rào cản
Chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, có không ít những rào cản đã và đang gây khó khăn cho việc đẩy mạnh chuyển đổi số tại các địa phương.
Một trong những trở ngại lớn nhất cho người dân ở vùng cao đối với việc tiếp cận công nghệ số là thiếu điều kiện trang bị các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính. Dù nhiều người đã có điện thoại thông minh, nhưng phần lớn là các điện thoại đời cũ, tốc độ xử lý chậm nên việc tiếp cận các công nghệ, sản phẩm chuyển đổi số chậm hoặc không thực hiện được. Bên cạnh đó, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hạ tầng Internet cũng chưa toàn diện. Nhiều gia đình chưa được phủ sóng Internet, sử dụng phí 3G, 4G khá đắt đỏ nên hạn chế tham gia các hoạt động chuyển đổi số, nhất là việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ công trực tuyến của chính quyền. Tâm lý của bà con DTTS khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử còn e dè trong thao tác do kỹ năng, thông tin hạn chế; chỉ tham gia tích cực trong khai thác thông tin từ các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube...
Tuy nhiên, đã có nhiều mô hình hay ở một số tỉnh, thành, địa phương khi hỗ trợ bà con DTTS nghèo vay tiền mua điện thoại thông minh; đồng thời, hướng dẫn bà con những kiến thức cũng như thông tin pháp luật khi sử dụng các trang mạng xã hội, Internet. Qua đó, giúp bà con DTTS có những kiến thức cơ bản nhất khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm liên quan đến chuyển đổi số. Các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... còn phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà mạng truyền thông tổ chức các lớp tập huấn, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại di động thông minh, từng bước phát triển mạng 5G. Tổ chức thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất dịch vụ để hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, bà con DTTS mở gian hàng online trên nền tảng số hay hỗ trợ xây dựng website và tập huấn, bán hàng trên website... Nhờ được tập huấn về công nghệ thông tin nên bà con DTTS đã biết cách xử lý hình ảnh, xây dựng câu chuyện, đăng bài và cập nhật bài trên Facebook, Zalo để quảng bá hình ảnh các sản phẩm được ấn tượng hơn.
Để việc chuyển đổi số trong vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả lâu dài và bền vững, thiết nghĩ, hệ thống chính trị các cấp cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về ứng dụng công nghệ thông tin, mạng Internet trong đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất công nghệ số cần bám sát đời sống bà con thông qua các hoạt động thiết thực như: cung cấp dịch vụ trực tuyến; cài đặt các hệ thống cảm biến, camera theo dõi các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội...
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng Internet đến cấp xã, các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử. Bên cạnh đó là huy động các nguồn lực, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế, giúp người dân thực hiện chuyển đổi số.
Những kết quả bước đầu về chuyển đổi số đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống đồng bào DTTS, người dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Chuyển đổi số đã tạo dấu ấn mới cho diện mạo nông thôn miền núi, vùng DTTS, góp phần vào quá trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
thudna
Chuyển đổi số ngành tư pháp: Xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyển toàn quốc về chuyển đổi số
Chuyển đổi số cần đi trước, đón đầu, có phản ứng, giải pháp phù hợp trước các công nghệ mới Chuyển đổi số cần đi trước, đón đầu, có phản ứng, giải pháp phù hợp trước các công nghệ mới
Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số
Những thách thức mới trong quản lý nền kinh tế thâm dụng dữ liệu và một số lưu ý cho Việt Nam
Trẻ em và mối hiểm họa khi tiếp xúc sớm với Chatbot AI
Ý nghĩa của các cuộc thi về chuyển đổi số
Hội thảo rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06 tại Thừa Thiên Huế
Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nỗ lực đột phá, phát triển kinh tế số ngang tầm quốc tế, khu vực